Kể lại nội dung bài thơ "Lượm" (Đề 2 - bài viết số 2 - Ngữ văn 7)

Đề bài: Kể lại câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (như “Lượm” hoặc “Đêm nay bác không ngủ”) theo ngôi kể khác nhau (ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba)

Một ngày cuối năm 1947, nhà thơ Tố Hữu có chuyến công tác đến tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hôm ấy đến đồn Mang Cá, ông thấy không khí chiến đấu của chiến sĩ rất sôi nổi nên rất vui mừng. Sau khi báo cáo tình hình của đồn, các đồng chí chỉ huy đồn mới nhà thơ đi tham quan tình hình xung quanh. Bất chợt ông nhìn thấy chú bé khoảng hơn 10 tuổi trông rất lanh lẹ và hoạt bát đang xem xét những bao thư trong túi xắc. Nhà thơ nhìn chú bé rất chăm chú.
Cậu bé có dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, đôi chân cứ thoăn thoắt chạy đi chạy lại hỏi han nhưng người xung quanh điều gì đó. Bên hông chú chiếc xắc nhỏ xinh cứ lắc đập tung tẩy. Đôi mắt cậu mở to, trong sáng, hồn nhiên, rất hợp với chiếc mũ ca lô xinh xắn đội lệch trên đầu. Đồng chí Tố Hữu hỏi một chiến sĩ đi cùng thì được trả lời:
Báo cáo đồng chí, đó là em Lượm, liên lạc viên xuất sắc nhất của đồn hiện nay. Có lẽ em đang hỏi để đưa thư cho mọi người.
Nhà thơ Tố Hữu vui vẻ lại gần chú bé lượm hỏi chuyện:
- Thế cháu mấy tuổi rồi?
- Dạ, cháu 11 tuổi ạ!
- Đi liên lạc cháu thấy thế nào?
- Dạ, vui lắm chú ạ!Mọi người ai cũng vui vẻ, hăng hái. Ở đồng Mang Cá cháu còn thích hơn ở nhà nữa cơ.
- Nếu thành Huế ai cũng như cháu thì quân Pháp sẽ bại trận trong một ngày không xa.
Nhà thơ chauw kịp hỏi chuyện thêm thì Lượm đã cất tiếng chào để tiếp tục đi làm nhiệm vụ.
Bống đi một vài tháng, một hôm nhà thơ Tố Hữu đang làm việc ở cơ quan thì có một đồng chí trong ban chỉ huy đồng mang Cá xin được vào báo cáo. Sau khi làm xong việc, nhân được gặp người quen, Tố Hữu và đồng chí ở đồng Mang Cá hàn huyên trò chuyện. Nghe hỏi đến tình hình anh em trong đồn, đồng chí ở đồng Mang Cá bỗng trầm xuống, ngậm ngùi nói:
- Anh có nhớ chú bé Lượm liên lạc không? Cháu bé mà anh rất thích ấy … Cháu đã hi sinh rồi!
Tố Hữu sững người.
- Hôm ấy, như mọi ngày, Lượm nhận công văn của đồn để chuyển đến vùng ngoại ô. Em tức tốc đi ngay. Không ngờ trên đường đi, em gặp ngay một ổ phục kích của quân địch. Em vội lánh chạy nhưng không kịp, giặc đã bắn theo tới tấp. Lượm hi sinh! Khi chúng tôi nhận được tin rồi cùng dân làng chạy ra thì thấy người em đã lạnh, chỉ riềng làn môi là vẫn còn mỉm cười. Một tay chú giữ chiếc ca lô, tay kia cầm chặt bông lúa sữa. Cách đó không xa, dưới lòng mương, những mảnh vụn của tờ điện khẩn đã nát vụn, ướt sũng.
Đồng chí ấy vừa kể xong thì òa khóc. Nhà thơ Tố Hữu cũng nghẹn lời.

Sau ngày hôm ấy, bài thơ “Lượm” ra đời và nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong các đội thiếu niên nhi đồng. bài thơ như nhắc nhở chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với những anh hùng thiếu niên. Các anh ấy tuy nhỏ tuổi nhưng là những con người dũng cảm, dám hi sinh mình cho tổ quốc. Và nếu không có chiến tranh thì các anh các chị cũng hạnh phúc như chúng ta bây giờ.
Dàn ý: http://chiasetulieu.blogspot.com/2014/09/dan-y-ke-lai-noi-dung-cau-chuyen-uoc.html

Kể cho bố mẹ nghe một chuyến đi lí thú (hoặc cảm động, hoặc buồn cười, …) mà em đã gặp ở trường

Hôm nay, tôi về nhà với khuôn mặt buồn rười rượi. Thấy vậy, mẹ hỏi:
- Có chuyện gì ở trường hả con?
Tôi liền kể cho mẹ nghe về cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động với Hiền, cô bạn thân của tôi suốt năm năm tiểu học.
Giờ ra chơi hôm nay, như mọi khi, con xuống căng tin để uống nước. Khi đi qua lớp 6C, con thấy một bạn có mái tóc dài, bị mất cánh tay trái. Khuôn mặt thanh tú vốn trông rất xinh xắn lại có mấy vết thẹo dài trên má. Cặp mắt trong sáng ánh lên niềm tự tin. Đôi mắt ấy vốn thân thuộc cùng với con biết bao nhiêu. Như buột miệng, con gọi: “Hiền ơi!”. Bạn quay lại, cặp mắt sững sờ, rồi chạy lại phía con và gọi to “Trang hả!”. Đúng là Hiền rồi, không thể nào nhầm được, giọng nói, giáng vẻ và nhất là đôi mắt, nhưng sao lại thế này? Chúng con cầm tay nhau, nhưng đúng hơn là con cầm tay phải của Hiền vừa đi vừa nói chuyện. Con nhìn Hiền và hỏi với giọng đày nghi ngại:
- Tại sao cậu lại bị …?
Con chưa nói xong cầu thì Hiền đã cắt ngang:
- Cậu muốn hỏi tớ tại sao lại mất một cánh tay, đúng không?
Con gật gù, rồi Hiền kể:
- Mùa hè năm ngoái, gia đình tớ đi picnic ở Côn Sơn. Nhưng một tai nạn bất ngờ đã đổ ập xuống. Khi về, bố mẹ, tớ và em trai đã bị hai thanh niên say rượu đua xe đâm phải. Kết quả là mẹ tớ và em tớ đã ra đi vĩnh viễn. Bố tớ mất đôi chân, còn tớ thì … như thế này đây.
Kể đến đây Hiền bỗng dừng lại, hai hàng nước mắt chảy dài. Cặp mắt long lanh bổng buồn thăm thẳm. Con cũng suýt khóc và hỏi:
-         Cuộc sống của cậu hiện nay như thế nào?
Hiền ngừng khóc và kể tiếp:
- Lúc nghe tin mẹ và em trai đã ra đi thì bầu trời như sụp đổ trước mắt mình. Tớ rụng rời chân tay. Suốt một thời gian mình như kẻ mất hồn. Sống không ra sống, chết không ra chết. Nhưng cũng trong thời gian đó nhờ có những người thân yêu bên cạnh như cô chủ nhiệm, các bạn trong lớp và nhất là bố tớ - người còn mất mát nhiều hơn mình luôn động viên, an ủi nên mình dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Sau mấy tháng điều trị, tớ ra viện. Tớ lại đi học. Lúc đầu các bạn nhìn tớ như thấy con quái vật một tay với mấy vết thẹo trên mặt. Nhưng sau khi biết được hoàn cảnh của tớ, các bạn đã ủng hộ, giúp đỡ trong việc học tập rất nhiều. Sáng tớ đi học còn chiều tớ phụ dì tớ bán bánh chuối ở gần trường.
Nghe xong câu chuyện, con rất cảm động và khâm phục ý chí của bạn Hiền. Giờ ra chơi đã hiết, con chào Hiền và trở lại lớp.
Mẹ nghe xong chuyện cũng rất buồn. Mẹ nói:

- Hiền quả là một cô bé có nghị lực. Con hãy nhìn bạn mà noi gương, hãy cố gắng học tập tốt nhé. Hôm nào con rủ bạn đến nhà mình chơi.

Biểu cảm về một người thân

Bài văn viết về cô giúp việc của em Bùi Linh Trang, học sinh lớp 7E1 (Trường THCS Marie Curie) nhận được nhiều lời khen từ cô giáo vì đã có những cảm xúc chân thật, sâu sắc.
Bài Văn, điểm 9, học sinh, Trường THCS Marie Curie, cô giáo
Người thân yêu nhất của các bạn là ai? Là cha, là mẹ hay là một người chị gái? Với tôi, cũng như các bạn, cha mẹ và chị gái là người tôi yêu quý nhất trên đời. Nhưng với tôi, còn có một người vô cùng đặc biệt, gần gũi với tôi nữa...Chẳng ai khác, chính là cô giúp việc.
Nói ra xin các bạn đừng cười vì thực sự với tôi, cô quan trọng, gần gũi với tôi như mẹ vậy. Và niềm hạnh phúc tôi có đã nhân đôi vì có được hai người mẹ bên tôi.
Cô giúp việc nhà tôi tên là Huy, một cái tên rất con trai nên đã làm tôi có chút tò mò từ lần đầu mẹ tôi nhắc đến trước khi cô đến nhà tôi. Cô là người cùng quê mẹ tôi được bà ngoại giới thiệu lên giúp nhà tôi. Cô đã gần năm mươi tuổi, không còn trẻ nữa nhưng tôi vẫn luôn trìu mến gọi cô mà không phải là bác. Phải chăng như thế sẽ làm cho cô trẻ hơn?
Đã sáu năm, một con số thời gian khá dài đủ để làm những đứa bé con như tôi lãng quên mọi thứ...Vậy mà không hiểu sao, trong tâm trí tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên cô Huy bước chân vào nhà tôi. Một ngày lặng lẽ, buồn thảm và u ám. Đó là ngày bà Nội yêu quý của tôi vừa mất được ba hôm. Trong khi mọi người đau buồn, bận rộn như quên tôi thì có cô đến chăm lo cho tôi, trò chuyện căn dặn tôi. Lúc ấy, phải nói rằng, tôi thấy ngạc nhiên vô cùng. Có lẽ vì quen với sự chăm sóc của mẹ, và quen với ngôi nhà chỉ có bố, mẹ và chị gái bây giờ lại có thêm một người đến ở nhà tôi, dạy bảo tôi...Mà khi bà mới ra đi chưa lâu bỗng có một người đến lau dọn giường bà, nghỉ tại đó nữa. Chao ôi, phải nói rằng tôi khó chịu như thế nào. Cái cảm xúc của một đứa bé lên sáu sợ ai đến đánh mất của mình một cái gì đó quý giá nhất. Và cũng bắt đầu từ đó, tôi dò xét, tìm mọi cách không thỏa hiệp, thậm chí đôi lúc còn phản kháng cô. Mỗi khi cô nói cái gì là tôi tìm cách cãi lại không cần quan tâm đúng sai như thế nào.
Nhưng cho đến một ngày...Đó là ngày tôi chống lệnh bố mẹ tôi không chịu về quê thăm ông bà chỉ vì mải mốt xem phim hoạt hình. Ngọt nhạt thế nào tôi cũng không đi...Mẹ tôi nóng nảy, tức giận và định giơ tay lên đánh đòn tôi. Lúc ấy, cô Huy vội vàng chạy vào ngăn...Cô xuất hiện, có lẽ mẹ nguôi giận và bảo tôi ra ngoài...Không cảm ơn cô, nhưng trong lòng tôi bỗng nhiên thấy quý cô hơn rất nhiều.
Cô Huy là một người "nhà quê" theo đúng nghĩa. Cô chân thành, thật thà, tính tình vui vẻ và có phần nóng nảy. Tôi có không biết bao nhiêu kỷ niệm về cô. Nhớ có lần cô bảo tôi giúp cô cài đặt chuông nhạc sàn để nghe cho rõ, rõ đến mức mỗi lần ai gọi cô thì hàng xóm cũng nghe thấy. Hay cái lần cô cùng mẹ con tôi đi siêu thị Big C dịp giáp Tết, cô cứ hỏi mẹ tôi: "Cô Anh ơi chỗ bán lồng gà ở đâu?" làm mẹ con tôi một trận cười no bụng. Cả lần đầu cô cùng tôi vào siêu thị mua đồ giúp mẹ, cô cứ mặc cả mãi với thu ngân để mua thêm cho tôi hộp bánh...Rồi cả cái lần cô đi xem phim cùng tôi nữa, cô nói chuyện với tôi đến cả rạp nghe thấy...Tất cả những kỷ niệm ấy chỉ làm tôi thêm quý cô mà thôi...
Sống trong gia đình tôi sáu năm, cô là người hiểu tính cách của từng thành viên gia đình tôi hơn bất cứ ai. Cô hiểu bố tôi vì công việc kinh doanh mà đêm hôm vất vả bữa ăn chẳng theo giờ giấc gì cả. Cô hiểu mẹ tôi công việc nhiều nên về nhà đã không lo lắng được việc nhà chu toàn. Và cô hiểu tôi, con bé Trang rất thích làm bánh khi đi học về mà không ngại ngần dọn một đống đồ bếp núc mà tôi bày ra...Có một điều nữa, ấy là mỗi khi tôi bị mẹ mắng, tôi đóng chặt cửa bên trong ấm ức, không ăn cơm. Mẹ tôi biết tính tôi, càng dỗ thì tôi càng khóc thật to nên rất nghiêm khắc để tôi tự suy nghĩ. Và mỗi lần đó, không ai khác, cô Huy lại lặng lẽ, rón rén đem cơm vào cho tôi. Cô sợ tôi đói...Tôi biết mẹ tôi có cách giáo dục của một người mẹ muốn con phải tự lập, còn cô thì lại lo cho tôi những gì cần nhất. Càng lớn lên, tôi càng thầm cảm ơn cô biết bao nhiêu!
Dáng người cô một năm gần đây gầy đi theo thời gian và bệnh tật. Cái căn bệnh U buồng trứng gì đó hành hạ cô và làm cô phải mổ đến hai lần trong một năm. Sức khỏe còn đâu nữa. Da cô sạm đi. Gò má hốc hác và những quầng thâm trên đôi mắt vì những cơn đau và những đêm mất ngủ. Bố mẹ tôi đã giúp cô rất nhiều trong những ngày cô nằm viện...Bình phục không được bao nhiêu, cô lại trở lại làm...Vất vả, tần tảo, lo toan, bận rộn lại dồn lên vai cô, vì công việc nhà tôi nào có dễ dàng gì. "Cô ơi, cháu thương cô lắm". Đã bao lần tôi muốn nói với cô câu ấy mà cứ nghẹn lòng không thốt ra được...
"Tết này cô về quê chăm cháu, Trang bảo mẹ liệu mà tìm người mới đi." Nghe câu ấy, lòng tôi buồn rười rượi...Dù biết rồi sẽ có ngày ấy thôi, nhưng sao nó đến nhanh thế này, lại đến vào lúc khi tôi thấy mình đã lớn để đủ hiểu rằng cô là người thân yêu với tôi. Sống ở nhà tôi đã sáu năm, khắp khu chợ xung quanh và cả những người bạn, cả bác phụ huynh lớp tôi đều biết cô gắn bó, thân thuộc với tôi thế nào.
Với tôi, cô là người mẹ thứ hai, là người bạn, người thân của tôi...Tình cảm của tôi dành cho cô khó diễn tả bằng lời..."Cô ơi, cô về quê, cháu buồn lắm...Tết này, ai lau phòng cùng cháu đây?"
                                                                              Nguồn: vietnamnet.vn

Em hãy kể lại kỉ niệm về thầy cô em yêu thương nhất

“Mùa xuân ai đi hái hoa.
Còn em đi nuôi dạy trẻ.
Sao em muốn đàn em mau khỏe?
Sao em muốn đàn em mau ngoan?”
Khi lớn lên có mấy ai trong chúng ta còn nhớ đến chuyến đò đầu tiên đã đưa mình chập chững bước vào cánh cửa học vấn của cuộc đời. Có mấy ai còn nhớ đến người lái đò dạo ấy với những yêu thương trìu mến dành cho mình, lúc mình mới lên hai, lên ba. Đối với em, hình ảnh cô giáo mầm non - là cô giáo Hiên - vẫn mãi ngự trị trong tâm hồn em...
Cô Hiên thường ra tận hành lang đón học trò, đón em từ vòng tay mẹ. Lúc nào cô cũng hôn lên má em âu yếm, vuốt tóc em trìu mến và ôm em vào lòng. Cảm giác ấm áp, dễ chịu, lan tỏa từ cô sang em khi cô xoa xoa nhẹ nhàng vào lưng em, dịu dàng, ngọt ngào vỗ về: “Nhựt ngoan nào. Con nín đi nha! Cô thương, cô thương nhiều mà!”. Thế là em không còn nhè nữa, cố đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn theo bóng mẹ xa dần ngoài cổng trường. Tay em nhỏ xíu, nằm gọn lỏn trong bàn tay cô, giơ lên cao vẫy tay tạm biệt bà và mẹ.
Đến bây giờ em mới hiểu rằng nghề nuôi dạy trẻ thật không dễ chút nào. Một lớp khoảng 20 học sinh, suốt ngày khóc lóc, cấu xé, tiểu tiện liên tục. Điều đó thật là khủng khiếp. Phải là người có tâm, có lòng yêu thương trẻ con thật sự thì mới có thể làm tốt được. Cô Hiên của em ngày ấy quả là người cô theo đúng nghĩa. Cô đã thể hiện lòng bao dung của mình qua gương mặt phúc hậu, ánh mắt dịu dàng, nụ cười luôn nở trên môi, và cuối cùng là cái “tâm” sáng ngời trong cô được nhìn thấy rõ nhất qua đôi bàn tay cô.
Ôi! Nhắc đến điều này làm em cảm thấy như vẫn còn nguyên vẹn cái cảm giác ấm áp, trìu mến, nhẹ nhàng đầy thương yêu, cực kỳ dễ chịu, lan tỏa trong trái tim em khi được tay cô chăm sóc thuở xưa. Đôi bàn tay như có phép tiên của cô đã giúp em và các bạn nhỏ khác ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn, ngoan hiền hơn và chóng lớn chỉ sau một năm học cô. Em vẫn còn nhớ đôi bàn tay của cô mịn màng, âm ấm. Những ngón tay thon dài, cắt móng sạch sẽ luôn được cô đưa lên làm gương cho các cháu. Cô không một lần ngắt nhéo trẻ, làm trẻ đau, không một lần làm rơi vỡ đồ trước mặt trẻ, không một lần cư xử thô bạo với trẻ. Mà trái lại, từ tay cô, sự kỳ diệu luôn được nhân lên gấp bội bởi tính cách cẩn thận vốn có, khi cô cột tóc cho bé gái, mặc đồ cho bé trai, tắm táp cho bé nào cũng thật nhẹ nhàng, nâng niu kỹ lưỡng như con đẻ của mình.
Đôi bàn tay của cô đã khéo léo đút cho chúng em từng muỗng cơm, muỗng nước, đã khéo léo nắm lấy những đôi tay nhỏ nhắn của chúng em viết những con số, những chữ cái a,b,c... đầu tiên vào trang vở. Cô chính là người đầu tiên giúp em và các bạn nhận biết, làm quen với số đếm, chữ cái, biết nắn nót, biết viết thẳng dòng. Em tin rằng không chỉ em mà còn có những thế hệ đã đi qua, đã từng được học cô, sẽ mãi nhớ đến đôi bàn tay diệu kỳ của cô, không ai có thể lãng quên.
Hồi đó tuy thể trạng rất bé nhỏ, ốm yếu nhưng bù lại em có một trí nhớ rất tốt. Học lớp của cô, em nhanh chóng được cô phát hiện điều đó, thế là cô bầu em làm lớp trưởng. Em thường xuyên được cô mời lên bảng, cầm thước dài, chỉ vào từng con số, từng chữ cái rồi đọc to cho các bạn đọc theo. Em được cô thương nhiều lắm. Nhờ cô mà các cô giáo lớp chồi hoặc lớp lá đều biết đến khả năng đọc viết của em. Vì vậy, vào một thời điểm nhất định, em được cô Hiên cho phép sang lớp của các cô ấy, lên bảng, đọc bài cho các bạn lớn hơn nghe. Em vẫn còn nhớ đã hãnh diện như thế nào. Đó là những năm tháng tuyệt đẹp, đáng nhớ nhất trong cuộc đời của em.
Có lẽ em là đứa trẻ thương cô nhất. Bởi khi được chuyển lên lớp chồi, em đã khóc lóc, không chịu rời xa cô. Ba năm mầm non là ba năm em được gần gũi bên cô. Cô vẫn bên em, vẫn thương em như ngày nào còn học cô. Giờ đây, em đã trở thành một thiếu niên 13 tuổi cao lớn, khỏe mạnh chứ đâu còn là cậu bé ốm yếu, nhỏ bé ngày nào, mà sao hình ảnh của cô vẫn còn ghi khắc sâu đậm trong tâm hồn của em...
Em xin mượn những câu hát ngọt ngào dưới đây của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để gửi tặng đến cô và cũng để kết thúc bài viết của mình:
“Một mai khi em lớn khôn
Đừng quên khi đi nhà trẻ
Quên cô giáo, người nuôi em khỏe
Quên cô giáo, người chăm em ngoan
Quên những lời cô giáo yêu thương...”
TÔ NGUYỄN MINH NHỰT (lớp 7A2 Trường THCS Nguyễn An Ninh, Q.12, TP.HCM)

Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong Tràng giang của Huy Cận

Nguyễn Hồng Ngọc Lam là thí sinh hiếm hoi đạt 9,5 điểm Văn trong kỳ tuyển sinh 2007. Lam dự thi vào ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM). Dưới đây là bài văn của Lam.
Tràng Giang của Huy Cận là bài thơ mang vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại.
Anh/chị hãy phân tích bài thơ Tràng Giang để làm sáng tỏ nhận xét trên.
TRÀNG GIANG
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài   H.C
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, Con thuyền xuôi mái nước song song. Thuyền về nước lại, sầu trăm ngã; Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu, Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều. Nắng xuống, trời lên sâu chót vót; Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng, Mênh mông không một chuyến đò ngang. Không cầu gợi chút niềm thân mật Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc, Chim nghiêng cánh nhỏ : bóng chiều sa Lòng quê dợn dợn vời con nước Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
                        (Văn học 11, Tập một, NXB Giáo dục, tái bản 2005, tr.143)
Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, với giọng thơ rất riêng đã khẳng định tên tuổi của mình trong phong trào thơ mới 1930-1945. Ông vốn quê quán Hương Sơn, Hà Tĩnh, sinh năm 1919 và mất năm 2005. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ ông mang nỗi sầu về kiếp người và ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên, tạo vật với các tác phẩm tiêu biểu như: "Lửa thiêng", "Vũ trụ ca", Kinh cầu tự". Nhưng sau Cách mạng tháng Tám, hồn thơ của ông đã trở nên lạc quan, được khơi nguồn từ cuộc sống chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân lao động: "Trời mỗi ngày lại sáng", "Đất nở hoa", "Bài thơ cuộc đời"... Vẻ đẹp thiên nhiên nỗi ưu sầu nhân thế, một nét thơ tiêu biểu của Huy Cận, được thể hiện khá rõ nét qua bài thơ "Tràng Giang". Đây là một bài thơ hay, tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. Bài thơ được trích từ tập "Lửa thiêng", được sáng tác khi Huy Cận đứng ở bờ Nam bếnChèm sông Hồng, nhìn cảnh mênh mông sóng nước, lòng vời vợi buồn, cám cảnh cho kiếp người nhỏ bé, nổi trôi giữa dòng đời vô định. Mang nỗi u buồn hoài như thế nên bài thơ vừa có nét đẹp cổ điển lại vừa đượm nét hiện đại, đem đến sự thích thú, yêu mến cho người đọc.
Bâng khuâng trời rộng nhớ sống dài Sóng gợi tràng giang buồn điệp điệp
....
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Ngay từ thi đề, nhà thơ đã khéo gợi lên vẻ đẹp cổ điển lại hiện đại cho bài thơ. "Tràng giang" là một cách nói chệch đầy sáng tạo của Huy Cận. Hai âm "ang" đi liền nhau đã gợi lên trong người đọc cảm giác về con sông, không chỉ dài vô cùng mà còn rộng mênh mông, bát ngát. Hai chữ "tràng giang" mang sắc thái cổ điển trang nhã, gợi liên tưởng về dòng Trường giang trong thơ Đường thi, một dòng sông của muôn thuở vĩnh hằng, dòng sông của tâm tưởng.
Tứ thơ "Tràng giang" mang nét cổ điển như thơ xưa: Nhà thơ thường ẩn đằng sau cái mênh mông sóng nước, không như các nhà thơ mới thường thể hiện cái tôi của mình. Nhưng nếu các thi nhân xưa tìm đến thiên nhiên để mong hoà nhập, giao cảm, Huy cận lại tìm về thiên nhiên để thể hiện nổi ưu tư, buồn bã về kiếp người cô đơn, nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Đó cũng là vẻ đẹp đầy sức quyến rũ của tác phẩm, ẩn chứa một tinh thần hiện đại.
Câu đề từ giản dị, ngắn gọn với chỉ bảy chữ nhưng đã thâu tóm được cảm xúc chủ đạo của cả bài: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sống dài". Trước cảnh "trời rộng", "sông dài" sao mà bát ngát, mênh mông của thiên nhiên, lòng con người dấy lên tình cảm "bâng khuâng" và nhớ. Từ láy "bâng khuâng" được sử dụng rất đắc địa, nó nói lên được tâm trạng của chủ thể trữ tình, buồn bã, u sầu, cô đơn, lạc lõng. Và con "sông dài", nghe miên man tít tắp ấy cứ vỗ sóng đều đặn khắp các khổ thơ, cứ cuộn sóng lên mãi trong lòng nhà thơ làm rung động trái tim người đọc.
Và ngay từ khổ thơ đầu, người đọc đã bắt gặp những con sóng lòng đầy ưu tư, sầu não như thế:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ được thể hiện khá rõ ngay từ bốn câu đầu tiên này. Hai từ láy nguyên "điệp điệp", "song song" ở cuối hai câu thơ mang đậm sắc thái cổ kính của Đường thi. Và không chỉ mang nét đẹp ấy, nó còn đầy sức gợi hình, gợi liên tưởng về những con sóng cứ loang ra, lan xa, gối lên nhau, dòng nước thì cứ cuốn đi xa tận nơi nào, miên man miên man. Trên dòng sông gợi sóng "điệp điệp", nước "song song" ấy là một "con thuyền xuôi mái", lững lờ trôi đi. Trong cảnh có sự chuyển động là thế, nhưng sao chỉ thấy vẻ lặng tờ, mênh mông của thiên nhiên, một dòng "tràng giang" dài và rộng bao la không biết đến nhường nào.
Dòng sông thì bát ngát vô cùng, vô tận, nỗi buồn của con người cũng đầy ăm ắp trong lòng 
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Thuyền và nước vốn đi liền nhau, thuyền trôi đi nhờ nước xô, nước vỗ vào thuyền. Thế mà Huy Cận lại thấy thuyền và nước đang chia lìa, xa cách "thuyền về nước lại", nghe sao đầy xót xa. Chính lẽ vì thế mà gợi nên trong lòng người nỗi "sầu trăm ngả". Từ chỉ số nhiều "trăm" hô ứng cùng từ chỉ số "mấy" đã thổi vào câu thơ nỗi buồn vô hạn.
Tâm hồn của chủ thể trữ tình được bộc lộ đầy đủ nhất qua câu thơ đặc sắc: "Củi một càng khô lạc mấy dòng". Huy Cận đã khéo dùng phép đảo ngữ kết hợp với các từ ngữ chọn lọc, thể hiện nổi cô đơn, lạc lõng trước vũ trụ bao la. "Một" gợi lên sự ít ỏi, nhỏ bé, "cành khô" gợi sự khô héo, cạn kiệt nhựa sống, "lạc" mang nỗi sầu vô định, trôi nổi, bập bềnh trên "mấy dòng" nước thiên nhiên rộng lớn mênh mông. Cành củi khô đó trôi dạc đi nơi nào, hình ảnh giản dị, không tô vẽ mà sao đầy rợn ngợp, khiến lòng người đọc cảm thấy trống vắng, đơn côi.
Nét đẹp cổ điển "tả cảnh ngụ tình" thật khéo léo, tài hoa của tác giả, đã gợi mở về một nỗi buồn, u sầu như con sóng sẽ còn vỗ mãi ở các khổ thơ còn lại để người đọc có thể cảm thông, thấu hiểu về một nét tâm trạng thường gặp ở các nhà thơ mới. Nhưng bên cạnh đó ta cũng nhìn ra một vẻ đẹp hiện đại rất thi vị của khổ thơ. Đó là ở cách nói "Củi một cành khô" thật đặc biệt, không chỉ thâu tóm cảm xúc của toàn khổ, mà còn hé mở tâm trạng của nhân vật trữ tình, một nỗi niềm đơn côi, lạc lõng.
Nỗi lòng ấy được gợi mở nhiều hơn qua hình ảnh quạnh vắng của không gian lạnh lẽo:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Hai từ láy "lơ thơ" và "đìu hiu" được tác giả khéo sắp xếp trên cùng một dòng thơ đã vẽ nên một quang cảnh vắng lặng. "Lơ thơ" gợi sự ít ỏi, bé nhỏ "đìu hiu" lại gợi sự quạnh quẽ. Giữa khung cảnh "cồn nhỏ", gió thì "đìu hiu", một khung cảnh lạnh lẽo, tiêu điều ấy, con người trở nên đơn côi, rợn ngộp đến độ thốt lên "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều". Chỉ một câu thơ mà mang nhiều sắc thái, vừa gợi "đâu đó", âm thanh xa xôi, không rõ rệt, có thể là câu hỏi "đâu" như một nỗi niềm khao khát, mong mỏi của nhà thơ về một chút sự hoạt động, âm thanh sự sống của con người. Đó cũng có thể là "đâu có", một sự phủ định hoàn toàn, chung quanh đây chẳng hề có chút gì sống động để xua bớt cái tịch liêu của thiên nhiên.
Đôi mắt nhân vật trữ tình nhìn theo nắng, theo dòng trôi của sông:
"Nắng xuống, trời lên sâu chót vót, Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."
"Nắng xuống, trời lên" gợi sự chuyển động, mở rộng về không gian, và gợi cả sự chia lìa: bởi nắng và trời mà lại tách bạch khỏi nhau. "sâu chót vót" là cảnh diễn đạt mới mẻ, đầy sáng tạo của Huy Cận, mang một nét đẹp hiện đại. Đôi mắt nhà thơ không chỉ dừng ở bên ngoài của trời, của nắng, mà như xuyên thấu và cả vũ trụ, cả không gian bao la, vô tận. Cõi thiên nhiên ấy quả là mênh mông với "sông dài, trời rộng", còn những gì thuộc về con người thì lại bé nhỏ, cô đơn biết bao: "bến cô liêu".
Vẻ đẹp cổ điển của khổ thơ hiện ra qua các thi liệu quen thuộc trong Đường thi như: sông, trời, nắng, cuộc sông cón người thì buồn tẻ, chán chường với "vãn chợ chiều", mọi thứ đã tan rã, chia lìa.
Nhà thơ lại nhìn về dòng sông, nhìn cảnh xung quanh mong mỏi có chút gì quen thuộc mang lại hơi ấm cho tâm hồn đang chìm vào giá lạnh, về cô đơn. Nhưng thiên nhiên đã đáp trả sự khao khát ấy bằng những hình ảnh càng quạnh quẽ, đìu hiu:
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng, Mênh mông không một chuyến đò ngang. Không cần gợi chút niềm thân mật, Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Hình ảnh cánh bèo trôi bồng bềnh trên sông là hình ảnh thường dùng trong thơ cổ điển, nó gợi lên một cái gì bấp bênh, nổi trôi của kiếp người vô định giữa dòng đời. Nhưng trong thơ Huy Cận không chỉ có một hay hai cánh bèo, mà là "hàng nối hàng". Bèo trôi hàng hàng càng khiến lòng người rợn ngộp trước thiên nhiên, để từ đó cõi lòng càng đau đớn, cô đơn. Bên cạnh hàng nối hàng cánh bèo là "bờ xanh tiếp bãi vàng" như mở ra một không gian bao la vô cùng, vô tận, thiên nhiên nối tiếp thiên nhiên, dường không có con người, không có chút sinh hoạt của con người, không có sự giao hoà, nối kết:
Mênh mông không một chuyến đò ngang Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Tác giả đưa ra cấu trúc phủ định. "...không...không" để phủ định hoàn toàn những kết nối của con người. Trước mắt nhà thơ giờ đây không có chút gì gợi niềm thân mật để kéo mình ra khỏi nỗi cô đơn đang bao trùm, vây kín, chỉ có một thiên nhiên mênh mông, mênh mông. Cầu hay chuyến đò ngang, phương tiện giao kết của con người, dường như đã bị cõi thiên nhiên nhấn chìm, trôi đi nơi nào.
Huy Cận lại khéo vẽ nét đẹp cổ điển và hiện đại cho bầu trời trên cao:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc, Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Bút pháp chấm phá với "mây cao đùn núi bạc" thành "lớp lớp" đã khiến người đọc tưởng tượng ra những núi mây trắng được ánh nắng chiếu vào như dát bạc. Hình ảnh mang nét đẹp cổ điển thật trữ tình và lại càng thi vị hơn khi nó được khơi nguồn cảm hứng từ một tứ thơ Đường cổ của Đỗ Phủ:
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Huy Cận đã vận dụng rất tài tình động từ "đùn", khiến mây như chuyển động, có nội lực từ bên trong, từng lớp từng lớp mây cứ đùn ra mãi. Đây cũng là một nét thơ đầy chất hiện đại, bởi nó đã vận dụng sáng tạo từ thơ cổ điển quen thuộc.
Và nét hiện đại càng bộc lộ rõ hơn qua dấu hai chấm thần tình trong câu thơ sau. Dấu hai chấm này gợi mối quan hệ giữa chim và bóng chiều: Chim nghiêng cánh nhỏ kéo bóng chiều, cùng sa xuống mặt tràng giang, hay chính bóng chiều sa, đè nặng lên cánh chim nhỏ làm nghiêng lệch cả đi. Câu thơ tả không gian nhưng gợi được thời gian bởi nó sử dụng "cánh chim" và "bóng chiều", vốn là những hình tượng thẩm mỹ để tả hoàng hôn trong thơ ca cổ điển.
Nhưng giữa khung cảnh cổ điển đó, người đọc lại bắt gặp nét tâm trạng hiện đại:
Lòng quê dợn dợn vời con nước, Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
"Dợn dợn" là một từ láy nguyên sáng tạo của Huy Cận, chưa từng thấy trước đó. Từ láy này hô ứng cùng cụm từ "vời con nước" cho thấy một nổi niềm bâng khuâng, cô đơn của "lòng quê". Nỗi niềm đó là nỗi niềm nhớ quê hương khi đang đứng giữa quê hương, nhưng quê hương đã không còn. Đây là nét tâm trạng chung của nhà thơ mới lúc bây giờ, một nỗi lòng đau xót trước cảnh mất nước.
Bên cạnh tâm trạng hiện đại ấy là từ thơ cổ điện được gợi từ câu thơ: "Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai" của Thôi Hiệu. Xưa Thôi Hiệu cần vịn vào sóng để mà buồn, mà nhớ, còn Huy Cận thì buồn mà không cần ngoại cảnh, bởi từ nỗi buồn nó đã sâu sắc lắm rồi. Thế mới biết tấm lòng yêu quê hương thắm thiết đến nhường nào của nhà thơ hôm nay.
Cả bài thơ vừa mang nét đẹp cổ điển, vừa mang nét hiện đại. Vẻ đẹp cổ điển được thể hiện qua lối thơ bảy chữ mang đậm phong vị Đường thi, qua cách dùng từ láy nguyên, qua việc sử dụng các thi liệu cổ điển quen thuộc như: mây, sông, cánh chim... Và trên hết là cách vận dụng các tứthơ cổ điển, gợi cho bài thơ không khí cổ kính, trầm mặc của thơ Đường.
Vẻ đẹp hiện đại lan toả qua các câu chữ sáng tạo, độc đáo của nhà thơ như "sâu chót vót", dấu hai chấm thần tình. Nhưng vẻ đẹp ấy đọng lại cuối cùng là tâm trạng nhớ quê hương ngay khi đứng giữa quê hương, nét tâm trạng hiện đại của các nhà tri thức muốn đóng góp sức mình cho đất nước mà đành bất lực, không làm gì được.
Bài thơ sẽ còn mãi đi vào lòng người với phong cách tiêu biểu rất "Huy Cận", với vẻ đẹp cổ điển trang nhã sâu lắng và vẻ đẹp hiện đại mang nặng một tấm lòng yêu nước, yêu quê hương.