Điển tích: Điển tích Quả táo bất hòa


Thiên đình Ôlanhpơ nhộn nhịp khác thường. Tất cả các thần, nữ và nam, lớn và nhỏ, kéo nhau về, trên những cỗ xe ngựa bay, hoặc lướt trên làn gió nhẹ, để dự lễ cưới nữ thần biển Thêtit lấy người anh hùng Pêlê. Các nàng Muydơ ca múa, đàn hát tưng bừng. Tất cả các vị thần đã ngồi vào bàn tiệc; rượu nho bốc hương thơm ngọt dịu. Thần Dơt ngồi bên vợ, nữ thần Hêra, nữ thần của hạnh phúc lứa đôi, người chủ toạ cuộc vui có một không hai này. Chợt, một quả táo vàng lăn giữa bàn tiệc, quả táo vàng hái từ vườn thiêng Hexpêrit. Trên quả táo, khắc dòng chữ: "Tặng người đẹp nhất". Các thần xôn xao, tranh nhau cầm quả táo thần, rồi Cung điện im bặt. Mọi người thầm nghĩ: Ai sẽ được quả táo này?. Ai là người đẹp nhất?. Và ai đã lăn quả táo này giữa bàn tiệc?
Người lăn quả táo vàng, chính là nữ thần £rit, hay Nữ thần bất hoà, người em gái sinh đôi của thần Chiến tranh Aret. Trong khi tất cả các vị thần, dù lớn hay nhỏ, dù ở gần hay ở xa tít mù khơi, dưới địa ngục hay chân trời đáy biển ai ai cũng nhận được lời mời đến dự tiệc cưới Thêtit- Pêlê, thì cả Thêtit và Pêlê đều quên không mời nữ thần bất hoà £rit; nữ thần cay đắng, nữ thần uất ức, nữ thần quyết báo thù, quyết gieo sự bất hoà, sự rối ren trong thế giới Ôlanhpơ. Nữ thần Bất Hoà, không được mời, cứ đến đám tiệc. Nàng mang theo quả táo vàng, giấu trong áo; chờ lúc mọi người hoan hỉ cười nói, mãi uống rượu nho, không ai chú ý đến nàng, nàng lăn quả táo vàng đến bàn tiệc, rồi nhanh như cắt, nàng bỏ ra về.
Bàn tiệc ồn ào lên, mọi người tranh nhau xem quả táo vàng; song khi thấy dòng chữ trên quả táo: "Tặng người đẹp nhất", thì mọi người lặng đi. Các thần lặng lẽ chuyển tay nhau, lặng lẽ nhìn nhau, cuối cùng không ai dám cầm. Ai là người đẹp nhất giữa bao mỹ nữ tuyệt vời? Tuy nhiều nữ thần hy vọng "người đẹp nhất" sẽ là mình, nhưng ai công nhận? Các nữ thần e ngại. Duy còn ba nữ thần nhất định muốn chiếm quả táo vàng, muốn làm hoàng hậu của rừng hoa người đẹp: nàng Hêra- vợ Dơt; nàng Atêna- nữ thần Trí tuệ và nàng Vệ Nữ (hay Aphrôđich)- nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu.
Thấy không khí nặng nề, nhiều thần định bỏ về, thì một vị thần lớn tiếng nói:
- Tôi xin vị thần tối cao, tối sáng suốt, Vương thần Dơt, đứng ra phân xử "Ai là người đẹp nhất".
Dơt nghe vậy, hơi hoảng hốt; mấy ý nghĩ thoáng rất nhanh trong đầu Vương thần: "Sao? Nếu ta bảo Hêra, vợ ta, đẹp nhất thì biết bao dị nghị và lôi thôi sau này. Nếu ta bảo Atêna hoặc Vệ Nữ đẹp nhất, ta sẽ chẳng thoát khỏi những cơn ghen lồng lộn của Hêra". Thần Dơt phán quyết: "Việc phân xử "Ai là người đẹp nhất", ta giao cho Parit, chàng trai đẹp nhất Châu á. Thần Hecmet, Người truyền lệnh của Thiên đình sẽ dẫn ba nữ thần xinh đẹp đến chân núi Iđa để gặp chàng Parit, chàng sẽ phán quyết "Ai là người đẹp nhất".
Khi Hecmet cùng ba nữ thần Hêra, Atêna và Vệ nữ đến núi thì Parit đang dạo chơi nơi sơn cước. Thần Hecmet kể đầu đuôi câu chuyện và trao cho Parit quả táo vàng "Tặng người đẹp nhất". Parit ngây ngất trước ba mỹ nữ toả xung quanh sắc đẹp và hương thơm. Chàng cầm quả táo vàng. Hêra, nữ thần vợ của Dơt nói: "Hỡi chàng Parit, nếu chàng phân xử cho ta được quả táo vàng, ta sẽ cho chàng làm Vua khắp vùng Châu á mênh mông và giàu có". Nữ thần Trí tuệ Atêna bảo chàng: "Hãy trao cho ta quả táo vàng, hỡi chàng Parit; để đáp ơn chàng, ta sẽ ban cho chàng trí tuệ tuyệt vời, chàng sẽ chỉ biết chiến thắng trong mọi cuộc giao tranh; chàng sẽ có vinh quang". Cuối cùng, thần Vệ nữ đắm đuối nhìn chàng, tha thiết nói: "Hỡi chàng Parit đẹp nhất Châu á, chàng hãy trao cho ta quả táo vàng, ta sẽ không quên ơn chàng; ta sẽ giúp chàng lấy được nàng Hêlen xinh đẹp, hoa hậu của cả Châu Âu; bên chàng sẽ có một người đẹp tuyệt trần". Parit không do dự, chàng tiến đến gần Vệ Nữ, nữ thần của Sắc đẹp và Tình yêu, trao cho nàng quả táo vàng "Tặng người đẹp nhất". Chàng đã lựa chọn. Chàng không chọn Quyền lực, chàng cũng không chọn Vinh quang. Chàng chọn cái Ðẹp và Tình yêu- cái nhân đạo nhất, cái Người nhất. Vả lại, ai có khuôn mặt xinh đẹp, đôi mắt thăm thẳm, đôi môi hồng tươi, thân hình mơn mởn, căng sức sống như Vệ nữ. Nàng xứng đáng là "Người đẹp nhất"
Song, nữ thần Bất Hoà £rit đã thành công, thành công to lớn. Vì Parit trao quả táo vàng cho thần Vệ Nữ, nên sau này, giữa Tơroa, quê hương của Parit và Hy lạp, quê hương của Hêlen, xảy ra cuộc chiến tranh kéo dài mười năm trời, gây bao chết chóc, bao nhiêu đau khổ cho loài người, bao nhiêu rắc rối cho Thiên đình.
Ðể trả ơn Parit, thần Vệ Nữ một hôm đến thành Tơroa bảo chàng đóng một con thuyền để sang Xpact, xứ sở nàng Hêlen diễm lệ có một không hai đón nàng về; nàng đang sống với chồng là Mênêlat phải đi Cret vắng nhà một thời gian. Parit, chàng trai đẹp nhất Châu á chinh phục được trái tim Hêlen. Hêlen theo chàng về Tơroa với tất cả vàng bạc, châu báu của chồng. Mênêlat được tin, vội vàng trở về. Chàng mời tất cả Vua các xứ sở ở Hy lạp, các tướng tài giỏi nhất của Hy lạp hợp thành một đoàn quân đông nghìn nghịt và vô cùng dũng mãnh để sang Tơroa cướp lại nàng Hêlen xinh đẹp. Cuộc chiến tranh mười năm bùng nổ giữa Hy lạp và Tơroa, giết hại hàng ngàn vạn sinh linh. Bất hoà, xung đột, chém giết dã man, đó là thế giới loài người sau vụ quả táo vàng. ởthế giới thần linh Olanhpơ, bất hoà cũng hoành hành; mâu thuẫn giữa thần Vệ Nữ bênh vực giúp đỡ Tơroa và Hêra, Atêna ghét bỏ Tơroa, bênh vực và giúp đỡ Hy lạp.
Do truyền thuyết trên, ngày nay "Qủa táo của sự bất hoà" chỉ nguyên nhân của những xung đột ý kiến, của những tranh chấp gây tác hại lớn.

Điển tích Muydơ

Trong ngôn ngữ văn chương, chúng ta thường gặp các từ "Nàng Thơ", "Thi hứng", "Cảm hứng nghệ thuật", "Ly tao"... để chỉ một trong những nguồn gốc còn bí ẩn của tâm hồn nhà thơ, nghệ sĩ khi sáng tạo tác phẩm. Ở phương Tây, Muydơ là hình tượng của nguồn cảm hứng nghệ thuật ấy. Thần thoại Hy Lạp kể rằng thần Dơt yêu say đắm nữ thần Mnêmôdin, nữ thần Ký ức. Thần sống với nàng chín ngày chín đêm; sau đó nữ thần sinh chín quả trứng, trứng nở thành chín cô gái xinh đẹp, được cha gọi bằng cái tên chung là các nàng Muydơ, các nữ thần Thơ. Dơt trao cho chín cô gái trách nhiệm làm cho tâm hồn các vị thần trên thế giới Ôlanhpơ và loài người dưới trần thế thêm vui, thêm đẹp.

Chín nàng Muydơ, xiêm y lộng lẫy, đầu đội vòng nguyệt, cùng với thần Apôlông xinh tươi, con của thần Dơt và nữ thần Lêtô, tay cầm đàn lia hay đàn xita, múa những điệu múa mê hồn, khi uyển chuyển như làn gió nhẹ, khi rộn ràng như sóng biển, khi đắm say, thơ mộng. Trên thiên giới, các nàng Muydơ làm cho các thần say sưa, tâm hồn như bay bổng. Ngay thần chiến tranh Aret, đứa con ngỗ ngược nhất, tàn bạo nhất của Dơt, hay con đại bàng hung dữ đã rỉa gan người anh hùng Lửa, Prômêtê, cũng mơ mơ màng màng, trong con mắt tưởng như đã tắt ngấm những ngọn lửa hung tàn, ở mọi thần, chỉ còn những tình cảm yêu thương. Ở dưới trần thế cũng vậy, nơi đâu vang lên tiếng đàn của Apôlông và tiếng ca của chín nàng Muydơ, thì ở đó cảnh vật và con người như bừng lên sức sống và tình yêu; tâm hồn con người như say sưa với những gì vĩnh cửu. Những ai có tâm hồn cao thượng, các nhà thơ và nghệ sĩ, các nhà khoa học, được nàng Thơ, nàng Nghệ thuật đến thăm hỏi, thì như có thêm một sức sáng tạo diệu kỳ. Nhờ các nàng Muydơ, đời sống tinh thần của loài người ngày một thêm phong phú. Chín nàng phải chia nhau các phần việc, mỗi người cai quản một trường sinh hoạt tinh thần; có nàng chăm nom thế giới anh hùng ca, có nàng coi sóc thơ trữ tình; nàng này bi kịch, nàng kia hài kịch, nàng thì Sử học, nàng thì ca múa, nàng thì thiên văn học... Ðến thời đại chúng ta, xuất hiện một nghệ thuật mới, làm rung chuyển cả thế giới nghệ thuật, nghệ thuật Ðiện ảnh. Người ta gọi Ðiện ảnh là nghệ thuật của Nàng Muydơ thứ mười.

Điển tích Prô - mê - tê

Trong văn học phương Tây, người đọc thường gặp điển tích Prômêtê "ngọn lửa Prômêtê", "tinh thần Prômêtê", "thời đại Prômêtê" để nói tinh thần sáng tạo, ý chí bất khuất và rộng ra, văn minh, tiến bộ, tự do.. Prômêtê là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.

Truyền thuyết Prômêtê ăn trộm lửa của Trời, trao cho loài người rồi bị Trời trừng phạt, kể rằng Dơt nặn ra loài người, một sinh vật yếu đuối, không có khả năng gì để tồn tại và tự bảo vệ trước sóng gió, bão bùng và trước sự đe doạ của bao thú vật to, khoẻ, có sừng, có nọc độc, có nanh vuốt, biết bơi dưới nước, biết leo trèo. Thần Prômêtê thương loài người, luôn luôn tìm cách làm cho loài người đỡ khổ cực. Một lần, Thần giết con bò rất béo, lừa cho Dơt chọn được phần gồm toàn xương xẩu, gân và vó, còn phần nạc ngon nhất cho loài người. Dơt càng tức giận "Ðã thế, không bao giờ ta cho lửa loài người; chúng nó sẽ sống trong tối tăm, ngu dốt, khổ cực". Thần Prômêtê biết ý đồ độc ác ấy, một hôm, lúc thiên đình vắng vẻ, chàng châm ngọn lửa, giấu kín trong ruột một loại cây sậy, rồi chạy như bay xuống trần thế, không ai hay biết gì hết. Thần trao ngọn lửa thiêng cho loài người. Ngay đêm hôm ấy, Dơt thấy dưới mặt đất, những đốm lửa nghìn nghịt như sao sa. Dơt uất ức hét ầm ầm "Thế là loài người có lửa, ta không thể tiêu diệt loài người được nữa; có lửa, con người sẽ sánh ngang thần thánh. Ôi! tai họa! Ôi! tai hoạ! Nhưng không, không! Ta sẽ làm cho loài người đau khổ, ta sẽ trừng trị Prômêtê". Dơt tức khắc cho gọi thần thợ rèn chân thọt là Hêphaixtôt đến và ra lệnh nặn một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời, tóc như làn mây nhẹ, thân nàng óng ả như dòng suối lượn, tiếng nói thánh thót như chim ca, hai con mắt xanh biếc như biển cả- nàng Păngđo tuyệt thế giai nhân. Xưa nay, mặt đất chỉ rặt là đàn ông. Khi Păngđo xuất hiện, người đàn ông say đắm, không rời nàng một bước. Sức quyến rũ của Păngđo vô cùng kỳ diệu, nhưng nàng là một tai hoạ cho người đàn ông, nàng lừa dối, nên là nguồn gốc của mọi khổ đau mà người đàn ông phải chịu. Mặt khác, Dơt ra tay trừng trị Prômêtê. Dơt cho giải thần đến một đỉnh núi cao chót vót ở dãy Côcadơ hoang vu, xa tít mù tắp và ra lệnh cho thần thợ rèn Hêphaixtôt đóng đinh xiềng chàng vào núi đá. Prômêtê ngày bị mặt trời thiêu đốt, đêm rét buốt thấu đến xương tuỷ. Hàng ngày, một con đại bàng khổng lồ do Dơt sai đến, mổ bụng và ăn buồng gan của chàng. Song, thật kỳ diệu, buồng gan của vị thần bất tử đêm lại mọc ra, đầy đủ và tươi rói. Những cực hình kinh khủng ấy không thể khuất phục thần Prômêtê kiên cường. Prômêtê không run sợ. Chàng hiên ngang, không chịu nói một lời van xin. Bao nhiêu thế kỷ trôi qua, Prômêtê vẫn là Prômêtê bất khuất. Cuối cùng, Dơt chịu thua Prômêtê. Thần Hêraclet đến dãy núi Côcadơ, giương cung bắn chết Ðại bàng, trèo lên núi phá xiềng. Prômêtê được trả lại tự do.

Điển tích: Héc - quyn (Hercules)

"Khoẻ như Héc - quyn", "lực lưỡng như Héc - quyn" là thành ngữ phổ biến ở phương Tây: "Héc - quyn" phổ biến đến mức nó trở thành một danh từ chung, một "Héc - quyn" tức là một người đàn ông cường tráng, có sức khoẻ vô địch. Ecquyn là một vị thần nổi tiếng trong thần thoại La Mã. Thần thoại La Mã mượn của Thần thoại Hy Lạp vị thần này; trong thần thoại Hy lạp, chàng tên là Hêracle. Vì vậy, chúng tôi sẽ gọi chàng Héc - quyn là Hêraclet và kể chuyện Hêraclet trong thần thoại Hy Lạp.

Mới sinh ra, chú bé ấy tên là Anxit (tiếng Hy lạp có nghĩa là "người cường tráng"). Chú là con của thần Dớt và nàng Ankmen xinh đẹp. Nữ thần Hêra, vợ của Vương thần Dơt ghen tức, mấy lần định giết chết chú bé. Trái lại, thàn Dớt rất yêu thương đứa con trai "ngoài hôn nhân" của mình. Một hôm, nữ thần Hêra ngủ say, thần ra lệnh cho một vị thần liên lạc, xuống trần bế ngay chú bé Anxit lên đỉnh Olanhpơ rồi đặt chú vào lòng Hêra để bú trộm sữa của nữ thần. Ðược ăn sữa, chú bé sẽ trở thành bất tử. Chú bé bú lấy bú để, mút sữa mạnh quá, làm cho Hêra giật mình tỉnh dậy. Nàng đẩy ngay chú ra khỏi lòng mình, làm sữa chảy thành một dòng ra bầu trời, nay vẫn còn một vệt mờ trắng như sữa vắt ngang bầu trời, gọi là "Con đường sữa" mà chúng ta gọi là Ngân hà. Chú bé đã bú gần căng bụng. Từ đấy, chú được gọi là Hêraclet ("Vinh quanh của nàng Hêra"). Nữ thần Hêra vẫn ghét cay ghét đắng đứa con riêng của chồng, nàng tìm cách giết chú bé. Thường ngày, nàng Ankmen đặt chú bé Hêraclet trong nôi nằm chung với chú bé em sinh đôi. Một đêm, Hêra thả hai con rắn xuống trần để quấn chết Hêraclet. Rắn bò vào phòng,. luồn vào nôi; chú bé em sinh đôi, chợt dậy khóc và la hét ầm ĩ. Nàng Ankmen hoảng hốt choàng dậy, thấy hai con rắn thì khiếp đảm, nàng kêu rú lên "Rắn! Rắn! Cứu tôi với!", Người nhà, kẻ cầm đèn, người soi đuốc, người dao, gậy đẩy cửa ào vào thì lạ thay, thấy chú bé Hêraclet ngồi dậy trong nôi hai tay nắm chặt cổ hai con rắn; rắn đang oằn mình giãy chết. Chú bé Hêraclet mới được 10 tháng. ¡mphitơriông là bố dượng và nàng Ankmen mừng lắm, mời các thầy dạy học danh tiếng nhất đến nhà dạy chú đủ các môn: âm nhạc, lịch sử, triết học, cưỡi ngựa, bắn cung, quyền thuật, đánh chuỳ, phóng lao. Chú ham mê các môn võ thuật, chẳng màng gì đến nghệ thuật, văn chương. Truyền thuyết kể rằng, một hôm thầy dạy nhạc thấy cậu học trò nhác lười bộ môn này quá, có đánh cậu. Tức đỏ mặt, cậu giơ cây đàn xita đập vào đầu thầy. Với cánh tay to khoẻ ấy, chỉ một lát là thầy nhạc lăn ra đát và chết ngay. Xét vì thầy có đánh cậu vì cậu quá nóng nẩy, vì vô tình giết người và vì tuổi còn nhỏ, cậu được toà án tha bổng. Song, bố dượng cậu nghĩ nên giáo dục cậu nơi khoáng đãng, luôn luôn tiếp xúc với cỏ cây, rừng núi, thì cậu sẽ bớt nóng nảy, tính khí sẽ dịu đi. Từ đấy, chàng được chăn gia súc ngoài cánh đồng bát ngát. Chàng luyện tập phóng ngựa, múa gươm, bắn cung; đặc biệt chàng đẽo được đôi chuỳ, gỗ rắn như sắt, như đồng, nặng đến bốn, năm lực sĩ mới vác nổi. Với chuỳ này, chàng đã giết chết một con to và hung dữ, từ bao năm bắt mất không biết bao nhiêu bò, cừu, dê của nhà Vua và dân chúng trong vùng. Con sư tử này tinh khôn vui cùng; chàng phải săn lùng suốt bốn mươi chín ngày đến ngày thứ năm mươi mới giết được. Chàng mang xác sư tử về. Nhà Vua mừng rỡ, gả cho chàng tất cả năm mươi cô con gái xinh đẹp. Thế là năm mươi ngày cưới linh đình. Chàng Hêraclet mười tám tuổi. Một lần khác, chàng giúp Vua thành Tebơ đánh tan một đội quân xâm lược, Vua gả công chúa Mêgara cho chàng; hai người yêu thương nhau, sống rất hạnh phúc. Nào ngờ đâu, một hôm chàng hoá điên; chàng chạy khắp đô thành, gầm thét như một con thú dữ; chàng cầm gươm đâm chết vợ và các con. ít lâu sau, chàng khỏi bệnh; gia đình tan nát; chàng đau đớn; suốt bao nhiêu ngày tháng, chàng ủ ê, đờ đẫn. Thần Apôlông hiện lên, phán truyền: "Hỡi chàng Hêraclet đau khổ, vị nữ thần Hêra đã trả thù chàng, làm cho chàng hoá điên và phạm những tội tầy đình. Ðể chuộc tội, chàng phải trở về xứ sở quê hương, đất Tiranhtơ, chịu làm nô lệ cho Vua Ơrixtê trong mười hai năm, qua mười hai thử thách ghê gớm, nếu chàng vượt qua được mọi gian nguy, các vị thần Ôlanhpơ sẽ đón chàng lên Thiên giới, chàng sẽ được bất tử như các thần linh". Hêraclet bừng tỉnh. Chàng tuân theo lời phán truyền của thần ánh sáng Apôlông, trở về Tiranhtơ, quê hương chàng. Từ đây, mở đầu quãng đời làm nô lệ hết sức gian khổ và cũng hết sức vinh quang của Hêraclet. Mười hai năm làm nô lệ cho Vua Ơrixtê, Hêraclet lập mười hai kỳ công hiển hách chưa từng thấy.

Vua Ơrixtê xứ Tiranhtơ là một ông vua xấu xí, hèn nhát và độc ác: hắn nghe tiếng chàng Hêraclet trở về xứ sở mình thì run sợ, mặt tái xám. Hắn bày ra đủ trò hiểm độc mong giết được chàng. Vua Ơrixtê không dám giáp mặt chàng dũng sĩ, hắn cho một viên quan truyền mọi lệnh của hắn đến Hêraclet.
Trước hết, Ơrixtê ra lệnh cho chàng phải giết chết con sư tử ở Nêmê; sư tử này là con của Khổng lồ và nửa quỷ nửa người nửa rắn. Nó có bộ da rắn như sắt, như dồng, lao đâm không thủng. Nó ở trong hang sâu có hai cửa. Nó đã bắt nhiều bò mộng, dê, cừu, nhốt trong hang để ăn thịt dần. Hêraclet mặc bộ áo giáp vàng, tay chuỳ, tay lao, vai đeo cung tên tiến đến hang sư tử. Trước hết, chàng bốc một mảng núi đá, lấp kín một cửa hang. Ngày đêm, chàng mai phục bên cửa hang còn lại. Một hôm, sư tử ra khỏi hang kiếm mồi. Chàng giương cung bắn tới tấp; các mũi tên chạm vào mình, vào đầu sư tử, đều oằn lại, rơi xuống đất. Chàng vấc chuỳ, xông tới con vật; sư tử nhảy chồm lên, miệng há to, định nuốt chửng Hêraclet. Chàng dũng sĩ cúi rạp xuống, rồi nhanh như cắt, chàng nhằm đầu sư tử giáng một chuỳ sấm sét. Một tiếng "boong", sư tử không chết; nó gầm lên, xông tới, lùi ra sau, chồm lên, miệng há, chân tát, nhưng Hêraclet tránh được mọi đòn hiểm độc của ác thú. Mọi vũ khí đều bất lực. Chàng nhảy lên lưng sư tử, túm bờm nó rồi hai bàn tay sắt chẹn cổ họng con vật; hai gọng kìm xiết ngày càng chặt. Sư tử đạp hai chân sau, đá đất bay mù trời. Rồi hai mắt vàng khè của nó đờ đẫn. Hêraclet dí đầu nó xuống đất, tay vẫn bóp chặt cổ họng. Sư tử chết. Hêraclet đặt nó nằm ngay ngắn dưới đất; chàng dùng múi lao, rứt một móng chân nó làm dao; lột bộ lông, cắt thành một bộ áo, và lột da đầu sư tử làm mũ. Chàng đội mũ, mặc áo da sư tử trở về đô thành. Từ bờ thành cao, Vua Ơrixtê nhìn thấy người mặc bộ giáp ấy, biết là Hêraclet. Hắn run cầm cập; hai người phải dìu hắn về cung
Kỳ công thứ hai của Hêraclet là giết chết mãng xà Hiđrơ. Nhận được lệnh của Ơrixtê, chàng dũng sĩ mặc bộ áo giáp sư tử, mang vũ khí sang đất Lecnơ. Chàng đi cùng một người bạn thân thiết. Con rắn Hiđrơ có một trăm đầu, phun ra một uế khí, ai hít phải chết ngay tức khắc. Nó bắt của dân chúng cơ man nào là ngựa, bò, dê, cừu và chẳng mấy gia đình không có tang vì người nhà bị nó ăn thịt. Nó chuyên sống nơi bùn lầy, cỏ rậm cao ngập đầu người. hai người bạn tiến từng bước một, dò xem rắn Hiđrơ nằm ở đâu. thấy uế khí nồng nặc bốc lên nghi ngút ở giữa đầm lầy, Hêraclet bảo bạn lui thật xa. Chàng nhặt những tảng đá lớn ném, rồi lấy cung, nhằm bắn mấy cái đầu rắn ngóc lên khỏi mặt bùn để thở. Thấy động, Hiđrơ vươn hẳn mình lên, tìm xem có gì lạ. Phát hiện ra Hêraclet, vút một cái, nó quăng mình như bay, quấn chặt lấy chàng dũng sĩ, định bẻ vụn xương chàng. Hêraclet khôn khéo luồn khỏ bốn, năm vòng cuốn. Chàng vung chuỳ đập vào đầu rắn và lanh lẹn rút gươm chém một, hai, ba đầu rắn; ba cái đầu rụng xuống đất. Song kỳ lạ làm sao, ba đầu khác mọc liền. Hêraclet giơ tay vẫy gọi bạn, bảo bạn đốt một bó đuốc và hễ đầu rắn Hiđrơ nào rụng xuống, phải dí ngay ngọn đuốc cháy bùng vào đầu rắn. Với sức khoẻ phi thường, Hêraclet chặt hết 100 đầu rắn. Bị lửa đốt thành than, rắn không mọc lại đầu được nữa. Ðó là chiến công rực rỡ thứ hai, từ khi chàng trỏ về quê hương. Tiếp đó, chàng lập thêm mười kỳ công nữa, nào bắt sống Lợn rừng hung ác, bắt sống Hươu cái, suốt một năm trời chàng đuổi nó từ Hy Lạp đến cực bắc; bắt sống bò mộng điên; nào phiêu lưu sang Châu á, đến bộ lạc Amazôn. xuống âm phủ bắt chó ngao Xecber; đoạt những quả táo vàng... Thật gian truân nhưng cũng thật vinh quang cho cuộc đời Hêraclet.

Cuộc đời chàng còn nhiều gian truân và vinh quang khác. Cuối cùng, vì một sự lầm lẫn, vợ chàng trao cho chàng một tấm áo nọc độc mà nàng không biết. Trong một buổi lễ, Hêraclet mặc áo của vợ gửi cho, bỗng áo cháy đùng đùng, áo bám riết, bám chặt da thịt chàng. Chàng đau đớn quá, chạy khắp nơi, la hét, áo vẫn cháy đùng đùng, không chịu nỗi, chàng bảo mọi người cho chàng lên giàn thiêu, để được chết ngay. Nghe lời chàng, người ta đốt lửa giàn thiêu đưa chàng về thế giới vũnh hằng. Một tiếng sét kinh thiên động địa: Theo lệnh Dơt, các vị thần trên đỉnh Olanhpơ xuống trần đón chàng Hêraclet (hay Ecquyn) lên Thiên giới. Chàng trở thành một vị thần bất tử.